This is a free and fully standards compliant Blogger template created by Templates Block. You can use it for your personal and commercial projects without any restrictions. The only stipulation to the use of this free template is that the links appearing in the footer remain intact. Beyond that, simply enjoy and have fun with it!

Chiếc xe đạp cũ


Hôm nay, tôi được về thăm ông bà ngoại. Chợt thấy vẻ mặt của ông bà không được vui lắm. Ông ngoại nói: "Chiếc xe đạp cũ mất rồi con ơi. Thiệt tình! Trên đời này, ăn trộm không từ bỏ thứ gì. Chiếc xe tả tơi như vậy mà nó cũng không chừa nữa".

Hơi bất ngờ, tôi nhớ lại chiếc xe đạp hồi ...xưa. Tim tôi nhói lên một lúc, rồi đập mạnh. Chạy vội ra nhà kho gần đó, chỉ thấy những chiếc lốp xe cũ cùng những rặng dừa heo hút đong đưa theo làn gió thoảng qua. Vậy là chiếc xe không còn, không còn thật rồi....

Khi ông bà còn trẻ, có được một chiếc xe đạp đã là một diễm phúc lớn. Ngày qua ngày, chiếc xe đó giúp ông chở củi, chở lài đi bán đổi lấy gạo. Nó giúp bà đèo các dì và mẹ tôi ngày hai buổi đến trường...Tuy khổ sở, vất vả, nhưng mọi người thật hạnh phúc vì luôn được ở bên nhau...Nhiều lần các dì phải đi bộ gần mấy chục cây số đến trường để nhường chiếc xe đạp cho ông ngoại đi bán lúa, nhưng không một chút phàn nàn...

Năm tháng trôi qua, khi tôi được sinh ra đời thì chiếc xe đạp vẫn là tài sản duy nhất trong gia đình ông bà lúc đó. Bà ngoại thường sử dụng nó để sang thăm tôi, chăm sóc cho tôi khi ba mẹ phải mưu sinh. Lúc bập bẹ biết nói, tôi đã được ngồi trên chiếc xe ấy trong vòng tay che chở ấm áp của bà, được bà chở đi chu du khắp nơi.Thật là thú vị...

Lên lớp 5, mẹ vẫn chở tôi đi học. Nhưng tôi vẫn có một khát khao là được tự mình ngồi trên chiếc xe đạp ấy, thong thả ngắm nhìn bầu trời, cánh đồng và các hàng cây. Điều kiện kinh tế lúc ấy không cho phép tôi được sở hữu một chiếc xe đạp. Thế là, tận dụng ba tháng hè ở nhà ông bà ngoại, tôi miệt mài, hì hục cưỡi lên chiếc xe đạp bự gấp đôi mình. Yên nó cao gần đến ngực khiến tôi không thể ngồi tới. Sườn xe lại dốc như chiếc xe đạp leo núi làm tôi tập rất khó khăn. Nhưng nó là cơ hội duy nhất, là chiếc xe duy nhất để tôi biết chạy cho nở mặt nở mày với đám bạn bè...

Và cuối cùng thì tôi đã chạy được! Trông tôi chạy xe thật buồn cười, bàn đạp vừa nặng, vừa khó bấu víu khiến tôi không bao giờ giữ được thăng bằng lâu, như thế là tốt lắm rồi...

Suốt hè , tôi chạy xe đạp không biết mệt, chở không biết chán. Chiếc xe ấy rất khó chạy nên tôi nghĩ mình đã làm được một kì tích. Khi chạy, tôi ngẩng mặt lên đầy tự hào khi có người nhìn mình."Tôi biết chạy xe đạp rồi đấy nhé, không phải thường đâu!". Tôi nào biết, người ta cười khúc khích không phải vì "ngưỡng mộ" tôi mà là cảm thấy tôi quá dị hợm trên chiếc xe đạp cà tàng...

Thời gian trôi qua, cuộc sống cũng dần dần thay đổi. Ông bà tôi đều có một chiếc xe máy riêng để tiện trong sinh hoạt hằng ngày. Tôi cũng đã có chiếc Martin mới cáu. Thế là chiếc xe đạp màu xanh bị xếp xó ở nhà kho, lâu ngày bám bụi, trở nên tàn tạ. Thỉnh thoảng, ông ngoại tôi vẫn lấy ra sửa chữa, lau chùi. Tôi thì khác, tôi cảm thấy ngứa mắt với sự có mặt của chiếc xe đạp ấy nên quên mất rằng nó đã từng là "ân nhân" của mình. Trước đó, bà ngoại tôi có chạy thử đi chợ thì...ôi thôi, sơn xe bong tróc nhìn rất thảm, bàn đạp nặng kinh khủng, cổ xe rỉ sét. Có lần tôi đề nghị ông ngoại hãy bán chiếc xe đó đi, để thêm chật nhà chứ làm gì. Ông im lặng...

Cuộc sống bộn bề lo toan khiến mọi người dần quên đi chiếc xe ấy. Chiếc xe đạp vẫn nằm đó, thui thủi, lẻ loi một mình...Đã cũ, nó lại càng cũ hơn. Dần dần, nó bị chìm vào quên lãng...

Đến hôm nay, nó bị đánh cắp thì mọi người mới giật mình nhớ lại. Tôi thấy hổ thẹn với chính mình. Chiếc xe đạp đã gắn bó với tuổi thơ tôi, giúp đỡ tôi nhiều biết bao! Nhưng tôi biết chính ông bà ngoại mới là người buồn nhất, không phải vì tiếc chiếc xe đạp cũ mà là tiếc nuối một kĩ niệm thời gian khổ...

Đôi khi, chính những thứ giản dị và cũ kĩ nhất lại có nhiều kĩ niệm với chúng ta. Hãy biết nâng niu và quý trọng nó...vì qua nó sẽ nhắc chúng ta nhiều điều và nghiệm ra nhiều điều khác nữa...

Sưu Tầm

0 comments:

Post a Comment